Thêm quy định đối với ôtô nhập khẩu

 

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 03/2018/TT-BGTVT với những giải thích rõ ràng hơn về Nghị định 116/2017, đồng thời bổ sung thêm quy định đối với xe nhập khẩu.

 

Thông tư 03/2018/TT-BGTVT (Thông tư 03) do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký ngày 10/1/2018 quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP.

XE NHẬP KHẨU PHẢI CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂU LOẠI

Thông tư 03 quy định rõ doanh nghiệp nhập khẩu xe phải có giấy chứng nhận kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại nước ngoài. Theo diễn giải trong thông tư, giấy chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ôtô hoặc gồm giấy chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật đối với kiểu loại ôtô và giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ôtô hoặc kiểu loại động cơ.

Xe nhập khẩu về Việt Nam phải có giấy chứng nhận kiểu loại.

 

Bên cạnh đó, điểm mới trong Thông tư 03 là việc các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải có "bản sao giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng trước, kính được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền". 

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại nước ngoài được hiểu là cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật được nước ngoài chấp thuận, thừa nhận và công nhận có chức phát hành: giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô; tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ôtô nhập khẩu; giấy chứng nhận đang ký lưu hành hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương. 

Xe nhập khẩu phải có bản sao giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp.

 

Ngoài ra, Thông tư 03 cũng quy định rõ doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải cung cấp bản sao tài liệu về “kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất đối với nhà máy đã sản xuất ra kiểu loại ôtô nhập khẩu theo hệ thống ISO 9001, hệ thống TS 16949... hoặc tương đương”.

ÁP DỤNG KIỂM TRA, THỬ NGHIỆM TỪNG LÔ XE NHẬP KHẨU

Đối với ôtô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra theo quy định đối với từng lô xe nhập khẩu. Mẫu ôtô đại diện cho từng kiểu loại ôtô trong lô xe nhập phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định. Cơ quan kiểm tra lấy ngẫu nhiên 1 hoặc 2 xe mẫu (trường hợp doanh nghiệp có yêu cầu dùng 1 mẫu để thử an toàn và 1 để thử khí thải) đại diện cho từng kiểu loại ôtô trong lô xe nhập khẩu đã được kiểm tra.

DOANH NGHIỆP NHẬP KHẨU ÔTÔ VẪN KÊU KHÓ

Với những hướng dẫn cụ thể hơn như vậy, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu ôtô cho biết chưa có giải pháp đối với giấy Chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu. Do đó, hiện tại chưa thể nhập khẩu được xe. 

Mỗi lô xe nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng, khí thải với đại diện của từng kiểu loại xe. 

 

Đây cũng là điểm mấu chốt mà VAMA kiến nghị lên chính phủ với hy vọng sửa đổi Nghị định 116. Theo VAMA, Chính phủ mỗi quốc gia chỉ tiến hành kiểm tra và chứng nhận theo quy định của quốc gia đó cho loại xe ôtô sử dụng trong nước, xe ôtô xuất khẩu không thuộc đối tượng này. Vì vậy các thành viên VAMA không thể tìm được giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài phù hợp với các thông số kỹ thuật của xe ôtô nhập khẩu vào Việt Nam. 

Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ GTVT cho biết giấy này sẽ được cấp bởi các cơ quan, tổ chức được pháp luật nước ngoài công nhận, thừa nhận, gồm cả trường hợp pháp luật nước ngoài cho phép doanh nghiệp sản xuất ôtô tự chứng nhận chất lượng, tự chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp ôtô cho rằng việc tự chứng nhận chất lượng, tự chịu trách nhiệm chỉ áp dụng được cho doanh nghiệp của Mỹ. 

Ngoài ra, quy định kiểm tra, thử nghiệm xe theo lô cũng là điểm VAMA mong muốn được sửa đổi. Hiệp hội VAMA mong muốn chỉ kiểm tra, thử nghiệm với từng kiểu loại xe trong lô đầu tiên nhập về và áp dụng kết quả trong ít nhất 6 tháng hoặc 36 tháng như xe lắp ráp trong nước. Bởi yêu cầu này sẽ làm tăng thời gian chờ đợi thêm 2 tháng và chi phí tăng thêm 10.000 USD để thử nghiệm đối với mỗi kiểu loại xe trong một lô hàng. 

THỊ TRƯỜNG XE NHẬP KHẨU TIẾP TỤC KHAN HIẾM

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 1/2018 chỉ 6 xe dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu về Việt Nam. Các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu cho biết hiện tại chưa thể nhập khẩu xe và cũng không biết sẽ kéo dài tình trạng này đến bao giờ. 

Đại diện, Toyota Việt Nam cho biết đã hủy đơn đặt hàng sản xuất đối với các dòng xe nhập khẩu, do chưa biết khi nào mới có thể nhập khẩu xe. Trước đây, thời gian từ khi đặt hàng đến khi xe về Việt Nam mất khoảng 3-4 tháng. Như vậy, ít nhất đến giữa năm nay doanh nghiệp này sẽ không có xe nhập khẩu để bán. 

Phải đến ít nhất giữa năm nay, dòng xe ăn khách như Toyota Fortuner mới có thể tiếp tục nhập về Việt Nam. 

 

Hồi đầu năm nay, Honda Việt Nam đã nhập khẩu 750 chiếc CR-V để trả cho khách đặt hàng từ trước và bán trong dịp mua sắm cuối năm, trong khi lô hàng tiếp theo chưa biết khi nào mới nhập được tiếp. 

Theo một chuyên gia trong ngành ôtô, các mẫu xe nhập khẩu xuất xứ châu Âu và của các hãng xe Mỹ có thể vẫn nhập về được trong thời gian tới. Bởi châu Âu có giấy chứng nhận kiểu loại, trong khi doanh nghiệp Mỹ có thể tự chứng nhận chất lượng. 

Trước đó, theo nhật báo Nikkei, cả Honda và Toyota đã tạm dừng xuất khẩu xe sang Việt Nam, do những quy định ở Nghị định 116. Mitsubishi, Ford cũng đã phải dừng việc xuất khẩu xe sang Việt Nam. Đối với Mitsubishi Thái Lan, dòng xe Pajero Sport đã tạm dừng sản xuất cho thị trường Việt Nam. Đại diện của Ford Thái Lan tiếp tục bày tỏ sự quan ngại về ảnh hưởng của nghị định đối với việc kinh doanh. 

Tình trạng khan hiếm hàng khiến một số dòng xe nhập khẩu đội giá, showroom chính hãng không còn xe bán. Trong khi đó, khách muốn có xe chơi Tết sẽ phải chi thêm tiền cho các showroom bên ngoài đã ôm hàng trước đó.