Những điểm mới nổi bật của Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi 2018

Những điểm mới nổi bật của Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi 2018 tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP. 

 

Đồng bộ hóa chính sách pháp luật

Ngày 16/11/2017 Chính phủ đã ký Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan (gọi tắt là Nghị định số 125/2017/NĐ-CP).

Việc ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP nhằm 3 mục đích chính sau: Thống nhất với danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 để thực hiện cam kết trong nội khối ASEAN; Giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian từ 1/9/2016 đến nay; Hạn chế tác động của việc xoá bỏ thuế nhập khẩu theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN.

Những thay đổi cơ bản tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP

Nghị định số 125/2017/NĐ-CP thay thế 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP để thống nhất với danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam gồm: (1) Phụ lục I - Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế; (2) Phụ lục II - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế; (3) Phụ lục III - Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp đối với mặt hàng xe ôtô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe), đã qua sử dụng; (4) Phụ lục IV - Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan. Theo đó, danh mục Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi kèm theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP tăng 1.255 dòng thuế so với danh mục Biểu thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Bổ sung nguyên tắc kê khai tên hàng và mã hàng đối với các mặt hàng thuộc nhóm có STT 211 “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” tại Biểu thuế xuất khẩu khi làm thủ tục hải quan và bổ sung 02 điều kiện xác định mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng có STT 211.

Sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết về việc thực hiện thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan chung và hạn ngạch thuế quan riêng theo các Hiệp định FTAs.

Bổ sung quy định về Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô giai đoạn 2018-2022: Nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng của Chính phủ, tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP đã bổ sung Điều 7a quy định về thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế. Theo đó, đối tượng áp dụng Chương trình ưu đãi thuế là doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định tại Nghị định số 116/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Điều kiện áp dụng Chương trình ưu đãi thuế gồm: Doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021) và mức 5 (từ năm 2022 trở đi) và đạt đủ sản lượng quy định tại điểm b.12 khoản 3.2 Mục I Chương 98 của Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP; Linh kiện nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất 0% phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được. Tại Điều 7a cũng quy định cụ thể về hồ sơ và thủ tục thực hiện Chương trình ưu đãi thuế. Theo đó, tại thời điểm nhập khẩu doanh nghiệp vẫn phải kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định hiện hành, chưa áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% của nhóm 98.49. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị được áp dụng mức thuế suất 0% của nhóm 98.49 theo 6 tháng/1 lần (Chậm nhất sau 60 ngày kể từ ngày 30 tháng 6 hoặc ngày 31 tháng 12 hàng năm) để cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra và xử lý. Nếu doanh nghiệp đáp ứng điều kiện của Chương trình ưu đãi thuế thì được xử lý tiền thuế nhập khẩu đã nộp thừa theo quy định.

Sửa đổi thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng: Tăng mức thuế nhập khẩu đối với xe đã qua sử dụng phù hợp với mức cam kết WTO đối với xe ô tô chở người dưới 16 chỗ, giữ nguyên thuế suất đối với xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở lên và xe ô tô tải đã qua sử dụng. Cụ thể tại Phụ lục III Nghị định số 125/2017/NĐ-CP quy định:

“1. Mức thuế tuyệt đối:

Đối với xe ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh không quá 1.000cc:

Mô tả mặt hàng

Thuộc nhóm mã số trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi

Đơn vị tính

Mức thuế (USD)

 

- Loại dung tích xi lanh không quá 1.000 cc

8703

 

Chiếc

 

10.000

2. Mức thuế hỗn hợp đối với xe ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh trên 1.000cc thuộc nhóm 87.03 và xe ô tô chở người từ 10 đến 15 chỗ ngồi (kể cả lái xe) thuộc nhóm 87.02 trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi được xác định như sau:

a) Đối với xe ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh trên 1.000cc:

Mô tả mặt hàng

Thuộc nhóm mã hàng trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi

Đơn vị tính

Mức thuế (USD)

- Ô tô (kể cả ô tô chở người có khoang chở hành lý chung, SUVs và ô tô thể thao, nhưng không kể ô tô van)

8703

Chiếc

200% hoặc 150% + 10.000USD, lấy theo mức thấp nhất

- Xe khác:

 

 

 

+ Trên 1.000 cc nhưng không quá 2.500cc:

8703

Chiếc

X + 10.000USD

+ Trên 2.500 cc:

8703

Chiếc

X + 15.000USD

b) Đối với xe ô tô từ 10 đến 15 chỗ ngồi (kể cả lái xe):

Mô tả mặt hàng

Thuộc nhóm mã số trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi

Đơn vị tính

Mức thuế (USD)

- Dưới 2.500cc:

8702

Chiếc

X + 10.000

- Từ 2.500cc trở lên:

8702

Chiếc

X + 15.000

c) X nêu tại điểm a, điểm b nêu trên được xác định như sau:

X = Giá tính thuế xe ô tô đã qua sử dụng nhân (x) với mức thuế suất của dòng thuế xe ô tô mới cùng loại thuộc Chương 87 trong mục I Phụ lục II - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định này tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.”

Về mức thuế suất thuế xuất khẩu: Sửa đổi thuế xuất khẩu, mô tả hàng hóa, tiêu chí kỹ thuật của 9 nhóm mặt hàng (như nhôm ở dạng thanh, que, hình; gỗ; thanh đồng; xỉ ...).

Về mức thuế suất thuế nhập khẩu:

Sửa đổi thuế nhập khẩu của 151 dòng thuế và 17 nhóm mặt hàng có sự thay đổi về mô tả hàng hoá;

Sửa đổi thuế nhập khẩu, tiêu chí kỹ thuật của 33 nhóm mặt hàng (như mặt hàng than, ethanol nhiên liệu (E100), clinker, xi măng, sắt thép...);

Bổ sung thêm 05 nhóm vào Chương 98 (ví dụ: set top boxes, thuốc trị mụn trứng cá, kính quang học chưa được gia công về mặt quan học...) với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng.

Nghị định 125/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Riêng nội dung của Chương trình ưu đãi thuế quy định tại Điều 7a được thực hiện ngay từ ngày Nghị định được ký ban hành (16/11/2017) đến ngày 31/12/2022.

Theo thuvienphapluat