Lấy ý kiến dự thảo Nghị định về hàng quá cảnh khu vực ASEAN 02-7-2018

 

Sáng 02/7/2018, Tổng cục Hải quan đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN.


Tổng cục Hải quan lấy ý kiến về Nghị định đối với hàng hóa quá cảnh ASEAN.

Dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS) đang được Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì xây dựng.

Nghị định này nhằm nội luật hóa nội dung Nghị định thư số 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan đồng thời tạo sơ sở pháp lý để thiết lập một hệ thống vận tải quá cảnh hiệu quả trong cộng đồng các quốc gia thành viên ASEAN.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho rằng, DN Việt Nam được hưởng lợi từ vị trí thuận lợi, là địa điểm tiềm năng cho hàng hóa của các nước trong khu vực khi muốn XK đến các nước khác tuy nhiên cũng gặp thách thức cạnh tranh không nhỏ từ DN kinh doanh dịch vụ vận tải khu vực ASEAN. Việc nội luật hóa nội dung Nghị định thư số 7 về Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN sẽ góp phần tạo cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Nhất Kha - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (TCHQ), khi triển khai ACTS ban đầu sẽ gặp một số thách thức. Cụ thể là theo Hiệp định, nơi nào có hàng hóa quá cảnh thì nơi đó sẽ được cài đặt hệ thống ACTS.  Như vậy, cùng với hệ thống VNACCS/VCIS hiện nay sẽ có thêm một hệ thống quản lý hải quan mới để quản lý riêng hàng quá cảnh theo ACTS.

Thêm vào đó, hiện nay hàng quá cảnh qua Việt Nam đều có điểm bắt đầu và kết thúc là tại các chi cục hải quan cửa khẩu; còn chi cục hải quan nội địa chỉ thực hiện các khâu chia tác, đóng ghép… Tuy nhiên, khi triển khai ACTS, điểm bắt đầu và kết thúc của hàng quá cảnh lại nằm trong nội địa. Điều này dẫn đế việc thay đổi cách thức quản lý hải quan, đây thách thức không chỉ với DN kinh doanh vận chuyển hàng quá cảnh mà với cả cơ quan Hải quan.

Điểm khác biệt nữa khi triển khai ACTS so với quy định hiện hành về hàng quá cảnh là vấn đề bảo lãnh thuế. Nếu hiện này hàng quá cảnh không yêu cầu bảo lãnh thuế thì trong khuôn khổ Nghị định thư số 7 đã đặt ra yêu cầu về bảo lãnh thuế. Như vậy dự thảo nghị định cũng phát sinh quy định về bảo lãnh và liên quan đến các cơ quan bảo lãnh…

Tham gia hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều ý kiến tập trung đảm bảo công tác quản lý hải quan đồng thời tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động quá cảnh hàng hóa.

Nghị định này dự kiến được hoàn thiện trình Chính phủ ký ban hành vào tháng 8/2018. 

Theo Customs