Khai bổ sung hồ sơ hải quan theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC
Quy định về khai bổ sung hồ sơ hải quan tại Điều 20 Thông tư số 38/2015/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 9, Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đây là một trong những nội dung có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng mà doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý.
Để phân biệt với nội dung khai bổ sung tờ khai vận chuyển độc lập, Điều 20 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (Thông tư 38) đã được quy định rõ tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC (Thông tư 39) là khai bổ sung hồ sơ hải quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; đồng thời đưa ra khái niệm khai bổ sung ở đây là khai sửa đổi bổ sung thông tin tờ khai và nộp các chừng từ liên quan đến khai sửa đổi thông tin.
Tại Thông tư 39, các trường hợp khai bổ sung đã được tách ra thành 2 nhóm rõ ràng gồm trong thông quan và sau thông quan. Trong đó:
1. Thời điểm thực hiện khai bổ sung trong thông quan gồm:
- Trước thông báo kết quả phân luồng.
- Sau thông báo kết quả phân luồng nhưng trước khi thông quan.
- Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu khai bổ sung do cơ quan Hải quan phát hiện sai sót, không phù hợp (khi kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá).
Như vậy, so với quy định cũ, thời điểm khai bổ sung trong thông quan đã đầy đủ hơn đối với cả trường hợp khai tờ khai giấy và tờ khai điện tử được hệ thống phân luồng 1 (luồng xanh).
2. Thời điểm thực hiện khai bổ sung sau thông quan gồm:
- Trong vòng 60 ngày kể từ ngày thông quan nhưng trước thời điểm cơ quan Hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra.
- Quá 60 ngày kể từ ngày thông quan nhưng trước thời điểm cơ quan Hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra.
Như vậy, khác so với trước đây, người khai hải quan sẽ không được khai bổ sung sau thời điểm cơ quan Hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra.
Về điều kiện khai bổ sung sau thông quan, Thông tư 39 đã đưa ra quy định cụ thể hơn so với Thông tư 38 là loại trừ các nội dung khai sửa liên quan đến giấy phép; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hoá, y tế, văn hoá, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, thực vật, an toàn thực phẩm.
* Về tổng thể, thủ tục khai bổ sung tại Thông tư 39 quy định người khai hải quan chỉ phải khai bổ sung thông tin tương ứng với các trường hợp theo các mẫu số 01, 02, 04, 05 Phụ lục II và nộp chứng từ liên quan qua Hệ thống thay vì theo quy định cũ là phải nộp các chứng từ liên quan qua Hệ thống hoặc bằng giấy và đối với một số chỉ tiêu thông tin Hệ thống không hỗ trợ còn phải khai bổ sung bằng bản giấy theo mẫu số 03/KBS/GSQL và các nộp chứng từ liên quan.
* Thông tư 39 cũng đã sửa lại quy định “bị xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” tại Thông tư 38 thành “bị xử lý theo quy định của pháp luật” khi người khai hải quan thực hiện việc khai bổ sung. Cần lưu ý rằng, việc xử lý này phải căn cứ vào các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính (hiện tại là Nghị định số 127/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP). Nghĩa là không phải trường hợp nào việc khai bổ sung cũng bị xử phạt vi phạm hành chính, mà chỉ trong trường hợp khai bổ sung có hành vi vi phạm được quy định cụ thể tại các văn bản nêu trên (như khai sai theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 13, Điều 14) thì mới bị xử lý theo quy định.
* Về khai bổ sung tờ khai xuất khẩu sau thông quan khi hàng đã được đưa vào khu vực giám sát, Thông tư 39 quy định cụ thể 3 trường hợp:
- Sửa cả cửa khẩu xuất, cảng xếp hàng và tên phương tiện: Người khai hải quan nộp cho Hải quan giám sát văn bản cho phép thay đổi cửa khẩu xuất của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản thông báo thay đổi cảng xếp hàng theo mẫu số 32/TĐCX/GSQL Phụ lục V và khai bổ sung tại Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nộp văn bản thông báo này.
- Sửa tên phương tiện; không sửa cửa khẩu xuất, cảng xếp hàng: Chủ phương tiện gửi cho Hải quan giám sát Thông báo theo mẫu số 33/TĐPTVT/GSQL Phụ lục V; không quy định người khai hải quan phải khai bổ sung tại Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai.
- Sửa cửa khẩu xuất, cảng xếp hàng; không sửa tên phương tiện: Chủ phương tiện hoặc người khai hải quan nộp cho Hải quan giám sát văn bản thông báo thay đổi cảng xếp hàng theo mẫu số 32/TĐCX/GSQL Phụ lục V; người khai hải quan chỉ cần khai bổ sung tại Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai trước thời điểm cơ quan Hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra.
* Về khai sửa cửa khẩu xuất, cảng xếp hàng của tờ khai xuất khẩu sau thông quan nhưng hàng chưa được đưa vào khu vực giám sát và khai sửa số hiệu container của tờ khai nhập khẩu khẩu sau thông quan nhưng hàng chưa được đưa qua khu vực giám sát, người khai hải quan nộp cho Hải quan giám sát Thông báo theo mẫu tương ứng số 34/TĐCXCK/GSQL hoặc số 31/BKCT/GSQL Phụ lục V và khai bổ sung tại Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nộp văn bản thông báo này.
* Một điểm mới được quy định tại Thông tư 39 là đối với các tờ khai có phương thức vận chuyển là hàng rời/hàng xá (không phải đường hàng không) đã đủ điều kiện qua khu vực giám sát nhưng có sai lệch về số lượng, trọng lượng so với khai báo thì người khai hải quan phải xuất trình cho công chức Hải quan giám sát trước khi thực hiện khai bổ sung tại Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai một trong các chứng từ: (1) Phiếu cân hàng của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng; (2) Biên bản nhận hàng có đại diện người bán ký xác nhận; (3) Biên bản ghi nhận tại hiện trường giám định về số lượng, trọng lượng; (4) Hợp đồng mua bán hàng hóa trong trường hợp có thỏa thuận về việc mua, bán nguyên lô, nguyên tàu, có quy định dung sai về số lượng cũng như cấp độ thương mại của hàng hóa.
Cũng trong quy định tại điểm này, trường hợp hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép thì chỉ được xác nhận qua khu vực giám sát đối với số lượng, trọng lượng trên giấy phép (bao gồm cả dung sai). Trường hợp hàng hóa không thuộc diện phải có giấy phép nhưng cũng không có thỏa thuận trong hợp đồng mua bán về việc mua, bán nguyên lô, nguyên tàu, có quy định dung sai về số lượng cũng như cấp độ thương mại của hàng hóa thì lượng hàng thừa (nếu có) so với khai hải quan sẽ không được đưa qua khu vực giám sát nếu không khai bổ sung.
* Thông tư 39 cũng lần đầu tiên đưa ra những quy định khai bổ sung đối với 3 trường hợp: (1) Xuất khẩu, nhập khẩu được thỏa thuận mua, bán nguyên lô, nguyên tàu, có quy định dung sai về số lượng và cấp độ thương mại của hàng hóa; (2) Gửi thừa hàng, nhầm hàng; (3) Gửi thiếu hàng và hàng hóa chưa đưa hoặc đưa một phần ra khỏi khu vực giám sát hải quan (sau thông quan)./.