Đại lý hải quan giúp chủ hàng như thế nào?
Đó là những công ty chuyên làm dịch vụ hải quan theo hợp đồng đại lý. Họ đứng tên đại lý trên tờ khai hải quan, ký tên và đóng dấu của mình vào ô người khai hải quan (với phần mềm ECUS4), hoặc dùng chữ ký số của mình để truyền tờ khai (ECUS5 - VNACCS).
Đại lý hoạt động dựa trên hợp đồng ủy quyền với chủ hàng xuất nhập khẩu, và phải chịu trách nhiệm trong phạm vi được ủy quyền.
Khác nhau giữa đại lý và người khai thuê hải quan
Mặc dù đều là đơn vị cung cấp dịch vụ thông quan, nhưng giữa người khai thuê hải quan và đại lý hải quan có những khác nhau cơ bản:
- Đại lý thủ tục hải quan phải đứng tên trên tờ khai, với vai trò đại lý. Họ dùng chữ ký và dấu pháp nhân của mình để làm tờ khai.
Trong khi đó, người khai thuê dùng giấy giới thiệu của chủ hàng để làm thủ tục hải quan. Họ không xuất hiện trên bất kỳ chứng từ nào của bộ hồ sơ khai quan. Với cơ quan hải quan, họ chính là người của chủ hàng.
Chẳng hạn, bên tôi đang cung cấp dịch vụ thông quan thuê, tôi chỉ cử nhân viên đem giấy giới thiệu của khách hàng và bộ hồ sơ hải quan đi làm thủ tục. Hải quan không hề biết đến công ty tôi. - Về tính trách nhiệm, đại lý ở mức độ cao hơn vì họ có dấu đứng trên tờ khai. Bản thân những doanh nghiệp này cũng sẽ được cơ quan hải quan đánh giá năng lực dựa trên những tờ khai mà họ đã hoàn thành.
- Đại lý hải quan phải có nhân viên được đào tạo (gọi là đại lý viên) và được Tổng cục hải quan công nhận. Đến tháng cuối 2017, cả nước có khoảng trên 250 doanh nghiệp đại lý thủ tục hải quan, xem Danh sách đại lý hải quan đến 31/12/2017. Trong khi đó người khai thuê thì có thể là bất cứ ai, chỉ cần biết chút nghiệp vụ và được chủ hàng thuê là có thể làm dịch vụ. Một ví dụ có vẻ hơi cực đoạn một chút: hôm qua chạy xe ôm, hôm nay cầm hồ sơ đi khai thuê hải quan.
Chủ hàng được lợi gì khi thuê đại lý làm thủ tục hải quan
Việc thuê đại lý làm thủ tục có một số những ưu điểm như sau:
- Không cần phải dùng chữ ký số của mình để duyệt ký (từ xa), hay gửi giấy khống như trước đây. Đại lý sẽ dùng chữ ký số của mình để khai và truyền tờ khai.
- Trách nhiệm và năng lực của người cung cấp dịch vụ cao hơn so với hình thức khai thuê.
Tuy vậy, thực tế cả phía chủ hàng và đại lý đều đang có tâm lý ngại ký hợp đồng đại lý và ký tên trên tờ khai hải quan. Nguyên nhân được cho là do chính sách thuế và chính sách hàng hóa XNK phức tạp, các bên lo ngại về mặt pháp lý trong khi chưa có Hiệp hội về đại lý hải quan. Vấn đề này có lẽ sẽ được khắc phục trong thời gian tới, khi ngành hải quan triển khai hệ thống VNACCS và đẩy mạnh phát triển dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan.
Điều kiện làm đại lý hải quan
Để trở thành đại lý thủ tục hải quan, một công ty dịch vụ phải có ít nhất (đến thời điểm đầu năm 2014) là 1 nhân viên được đào tạo và được cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan.
Nhân viên đó phải tham gia khóa đào tạo theo quy định trong Thông tư số 80/2011/TT-BTC tại những cơ sở đào tạo được Tổng cục hải quan cho phép, chẳng hạn như: Học viện tài chính; Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan, Trường Đại học Tài chính – Marketing …
Khóa học phải đủ 4 học phần, học trong khoảng 8-10 tuần thì xong, sau đó dự kỳ thi do Tổng cục hải quan tổ chức. Điểm cả 4 học phần đều trên 5 mới được cấp chứng chỉ. Như tôi đã tham dự kì thi cuối năm 2013, có lẽ cũng đến vài chục phần trăm người đã đi làm và có kinh nghiệm mà vẫn thi rớt như thường.
Thi chứng chỉ nghiệp vụ đại lý hải quan
Cũng khá thú vị khi tham dự học và thi chứng chỉ này. Nếu nói về chứng chỉ nghề, thì học trong 8 tuần, đúng ra là chỉ 2 ngày cuối 8 tuần, thì hơi ngắn. Nhưng với những bạn đang đi làm ở các tỉnh, mà phải về Hà Nội hoặc Tp.HCM học, thì cũng là khá dài và gian nan.
Hiện, đã có một số trường và trung tâm đào tạo mở lớp tại các tỉnh thành khác để đáp ứng nhu cầu của các đơn vị.
Khóa học, theo đánh giá của một số người, thì vừa tràn lan, lại vừa cắt ngắn nên chưa thiết thực lắm. Cá nhân tôi đã học và đánh giá thì thấy cũng có phần đúng.
Cụ thể như phần Pháp luật hải quan, hoặc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, quả thật rất khó nhớ, càng khó thuộc (để đi thi). Nhưng tựu chung, học cả mấy chuyên đề, ôn luyện xong, thi xong, thì thấy cũng khá bổ ích, vì nó cho cái nhìn tổng quát hơn về nghề “làm dâu trăm doanh nghiệp này”.
Với bạn nào mới vào nghề, hoặc chưa biết tẹo gì về việc thông quan, lời khuyên của tôi là chưa nên học ngay. Kiến thức khá rộng, được nén lại trong mấy tuần, nên giảng viên nói khá nhanh. Như vậy, người mới vào nghề sẽ rất khó theo kịp, dễ có cảm giác chán nản, hoặc thậm chí lãng phí khi theo học. Nên chăng, những bạn đó chấp nhận cắp cặp đi theo mấy anh chị có kinh nghiệm, va chạm và nắm bắt thực tế trước. Ít nhất họ cũng cần biết những kiến thức cơ bản như:
- Chứng từ như hợp đồng ngoại thương, hóa đơn thương mại, vận đơn, chứng nhận xuất xứ (CO)…
- Hồ sơ hải quan: tờ khai hải quan, tờ khai trị giá, giấy nộp thuế
- Thủ tục hải quan: khai trên phần mềm, và thông quan tại chi cục
- Các nghiệp vụ liên quan: lấy lệnh hãng tàu, kiểm hóa, kiểm tra chất lượng, tham vấn giá
- V.v…
Đến khi nắm được ổn ổn, chẳng hạn sau 6 tháng – 1 năm, khi đó hãy theo học lớp Nghiệp vụ hải quan sẽ thấy có ích hơn rất nhiều.
Tất nhiên, nếu bạn học để lấy chứng chỉ, nhằm xin việc thì lại khác. Bạn sẽ cần vất vả hơn để học chay (có lẽ điều này rất nên tránh khi học nghề), rồi thi lấy chứng nhận. Sau đó đi làm, rồi kiểm nghiệm lại sau.